Gia đình, thành trì văn hóa cần được giữ vững
VHO- Nho gia xưa có một câu để chỉ con đường mà người quân tử phải lấy đó làm sự phấn đấu cho một đời hành động: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Tranh “Gia đình tứ đại đồng đường”
Câu này có thể hiểu thoáng theo nghĩa: “Đầu tiên là sửa mình, sau đó là lo việc nhà, việc nước, rồi việc trong thiên hạ, sao cho tất cả đều được hài hòa, trật tự”. Ta thấy ở đây, ngoài yếu tố “tu thân”, tức là việc mà người quân tử phải làm với chính bản thân mình, thì cái “địa bàn hoạt động” bên ngoài cứ ngày càng mở rộng thêm ra: Gia đình - Quốc gia - Thế giới. Thực chất thì trong sự hình dung của nhà Nho, gia đình chính là mô hình gốc của tất cả, quốc gia hay thế giới chẳng qua cũng chỉ là sự phóng chiếu, nhân bội của gia đình mà thôi. Ở phương diện này thì cách hiểu của người xưa về gia đình có phần nào đó giao cắt với cách hiểu ngày nay: Gia đình, ấy chính là “tế bào gốc” của xã hội. Tôi nhấn mạnh: “Tế bào gốc” cả về mặt văn hóa.
Hài hòa, trật tự
Đó chính là những phẩm tính cần phải đạt đến và duy trì được trong cấu trúc và trong văn hóa gia đình. Một gia đình đầy đủ theo mô hình truyền thống “tứ đại đồng đường” sẽ có các thế hệ: Ông bà, cha mẹ, các con, rồi các cháu. Giữa các thế hệ đương nhiên có sự khác biệt về tuổi tác, và cũng có thể có những khác biệt về nghề nghiệp, quan niệm giá trị sống, sở thích, quan niệm thẩm mỹ... Tuy nhiên, bất chấp khác biệt, hay nói đúng hơn là vượt lên trên những khác biệt như vậy, vẫn có những giá trị cốt lõi mà mọi thành viên trong gia đình đều có thể và cần phải tôn trọng, đó là cái sự “kính trên nhường dưới”, người trên với người dưới thì phải biết mẫu mực làm gương, đối xử vừa nghiêm khắc vừa từ ái; người dưới với người trên thì phải biết kính trọng yêu thương, anh em với nhau phải biết nhường nhịn bảo ban, phải đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau trong gian nguy hoạn nạn.
Những yêu cầu này được đặt ra, theo một cách vừa bắt buộc vừa tự nhiên, là để đảm bảo cho sự tồn tại ổn định và bền vững của một cộng đồng được hình thành trên cơ sở huyết thống. Cái yếu tố huyết thống, nói nôm là “dòng máu”, chính là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” giữa các thành viên trong gia đình, nó nối không chỉ những người đang sống với nhau, mà với cả những người đã khuất, những người thuộc về các thế hệ đã lùi vào rất xa trong quá khứ. Tục thờ cúng tổ tiên trong thực hành tín ngưỡng, tâm linh của người Việt Nam chính là mang ý nghĩa như vậy: Xác nhận niềm tin thiêng liêng vào sức mạnh của huyết thống. Thờ cúng tổ tiên, trước hết là thờ cúng tổ tiên trong mỗi dòng họ, rồi xuống đơn vị cơ bản là mỗi gia đình. Nó là văn hóa họ tộc/ gia đình. Ngay cả gần đây, khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng
Vương của người Việt được tổ chức UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì bản chất của vấn đề văn hóa họ tộc/ gia đình cũng không thay đổi, thậm chí còn được nhấn mạnh hơn: Các Vua Hùng được hình dung như tổ tiên của tất cả các tộc người thuộc quốc gia dân tộc Việt Nam; các tộc người là “anh em” với nhau, là những người “đồng bào”, tức là cùng trong một bọc, hòa lẫn một dòng máu, thờ chung một tổ tiên.
Mô hình gia đình truyền thống “tứ đại đồng đường”
Trở lại với mô hình gia đình truyền thống “tứ đại đồng đường”, bốn thế hệ chung sống dưới một mái nhà. Đại tá, nhà văn Dương Duy Ngữ từng viết một truyện ngắn có tên Gia đình người lính, không thật đặc sắc về các phương diện thi pháp truyện ngắn, nhưng câu chuyện của Dương Duy Ngữ lại nói rất trúng về kiểu gia đình truyền thống “tứ đại đồng đường” này: Bốn thế hệ sống chung, yên ấm dưới một mái nhà, ở một vùng nông thôn (tôi nhấn mạnh). Và có một nét nổi bật của gia đình, niềm tự hào của tất cả các thành viên, là thế hệ nào trong nhà cũng có người đã từng hoặc đang là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam: Người ông từng đánh trận Điện Biên Phủ, người bố từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, người con từng cầm súng bảo vệ biên giới phía Bắc, và mấy đứa cháu đang quân nhân tại ngũ. Cái cảnh toàn gia cụ cố Oanh, cựu chiến sĩ Điện Biên, sum họp ngày Tết trong truyện là một cảnh hạnh phúc gia đình viên mãn rất đáng mơ ước. Nhưng nó cũng chỉ nói lên một phương diện nào đó cái hạnh phúc của mô hình gia đình “tứ đại đồng đường” mà thôi. Bởi vì, trong quá khứ, nhiều gia đình “tứ đại đồng đường” không tự hào về bốn đời quân nhân, mà bốn đời của họ, hoặc là quan chức, hoặc là văn nhân học sĩ, hoặc là nghệ sĩ, hoặc là thợ thủ công gắn với một nghề nức tiếng một vùng... Nghĩa là, luôn có một giá trị nào đó xuyên suốt, ít nhất là ngang bằng với những giá trị đạo đức cốt lõi mà phần lớn các gia đình theo mô hình truyền thống “tứ đại đồng đường” đều theo đuổi và bảo vệ bằng toàn bộ sức mạnh, như bảo vệ uy tín và danh dự của chính mình.
Nhưng, như tôi đã nhấn mạnh ở trên, mô hình gia đình truyền thống tứ đại đồng đường có lẽ chỉ phù hợp tồn tại trong môi trường nông thôn, mà là nông thôn ngày trước, với một đời sống kinh tế dường như khép kín và tương đối ổn định về các mối quan hệ xã hội. Còn hiện nay, trong một đất nước đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa với một gia tốc rất mạnh, chúng ta chứng kiến sự phân rã và biến mất dần dần của kiểu gia đình này. Ở các thành phố, tồn tại phổ biến kiểu gia đình hạt nhân, chỉ gồm có hai thế hệ cha mẹ và con cái, cùng lắm là kiểu gia đình ba thế hệ (với thêm ông bà đã già, nghỉ lao động và đang được phụng dưỡng). Thêm vào đó, với những tác động của các làn sóng văn hóa mới, đặc biệt là sự xâm nhập và những tác động không thể tưởng tượng nổi của khoa học công nghệ, gia đình và văn hóa gia đình đang phải đứng trước nhiều yêu cầu thay đổi, và thực tế là nó cũng đang tự biến đổi, như một tất yếu.
Ta sẽ nhận thấy, không khó lắm, các yêu cầu về sự gắn kết với truyền thống như “gia phong” hay “nếp nhà” đã giảm đáng kể sức mạnh của nó. Việc đi lại con đường mà các thế hệ trước đã đi không còn là niềm tự hào, cũng không phải là điều mang tính bắt buộc trong gia đình hiện nay (họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn, một “cao bồi già phố cổ”, từng nói với tôi: Trong các gia đình thị dân Hà Nội, việc “nối nghiệp” may ra phổ biến được đến hai đời, còn không thì “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”). Tiếng nói của bậc trưởng bối với hậu bối, của cha mẹ với con cái mình cũng vậy, không còn là tiếng nói uy quyền và mang tính áp đặt như trước. Nói chung đã có một sự giãn nở khá rộng bầu khí quyển dân chủ trong gia đình để thế hệ trẻ ngày nay có thể tự do biểu đạt bản thân theo cách mà họ muốn. Tuy nhiên thái quá cũng có thể nảy sinh bất cập như là những hệ quả không mong muốn. “Dân chủ” hay “tự do” không có nghĩa là đứt tung mọi trật tự kỷ cương, là “Chúa chết rồi, muốn làm gì thì làm”, là không ai còn/ cần quan tâm đến ai nữa và mọi giá trị đều có thể được/ bị các cá nhân trong gia đình diễn giải tùy ý.
Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ gia đình Chấn hưng văn hóa không phải ở đâu xa, mà hãy ở chính văn hóa gia đình, ở việc coi gia đình như một thành trì văn hóa cần được giữ vững. Không đến mức áp đặt những yêu cầu về trách nhiệm phận vị với các thành viên trong gia đình nghiệt ngã như Nho gia thuở trước, nhưng cũng không thể để xảy ra tình trạng Không có vua (một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp). Đành rằng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng rõ ràng có những giá trị văn hóa cốt lõi mà các gia đình đều nên chia sẻ và tôn trọng. Hãy bắt đầu từ những việc tưởng như nhỏ nhất, ví dụ: Lời nói, lời chào, lời hỏi, lời mời, lời thưa, lời cảm ơn, lời xin lỗi... những lời ấy luôn được vang lên trong đời sống gia đình, một cách đúng lúc đúng chỗ, thì đó đã chính là một phần của văn hóa gia đình rồi. Văn hóa ấy phá vỡ sự im lặng vô cảm và xóa tan sự nhốn nháo mất trật tự. Văn hóa ấy cho mỗi cá nhân sức mạnh để bước ra ngoài và sự xoa dịu, sự tái tạo tinh thần đầy đủ mỗi khi trở về... |
HOÀI NAM